Có nhiều tiêu chuẩn tương đồng để đánh giá một bài viết tốt trong bất kì ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, để cho các ý trong bài viết thật dễ hiểu thì bạn cần nắm được cách sắp xếp và trình bày ý tưởng khi viết.
Sau đây là một vài mẹo nhỏ hữu hiệu nhất:
-Nếu thấy chưa tự tin thì bạn hãy ôn sơ lại các điểm ngữ pháp, như cấu trúc câu của câu ghép, câu phức, và những cấu trúc nào không giống với ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn.
- Học cách làm thế nào để thể hiện sự liên kết giữa các ý và chuyển ý sao cho mạch lạc. Bạn có thể luyện tập cách sử dụng những từ chuyển tiếp, và học một số từ chuyển tiếp ít phổ biến và từ nối được dùng trong môn viết học thuật.
- Hãy dành thêm thời gian khi viết tiếng Anh. Càng viết nhiều thì bạn sẽ càng cảm thấy quen hơn. Còn trước mắt, hãy dành ra thêm thời gian để viết bất kì lúc nào có thể.
- Thường thì viết bản nháp đầu tiên sẽ khá nhanh, bạn cứ ghi hết những ý quan trọng ra giấy, rồi xem lại để sắp xếp, gọt giũa sao cho người khác đọc có thể hiểu được. Công đoạn chỉnh sửa này vô cùng quan trọng.
+ Các ý chính có được trình bày rõ ràng không?
+ Bạn có cho dẫn chứng vào để bổ trợ cho ý chính chưa?
+ Xem lại bố cục, cách chuyển ý và chọn từ. Liệu có cần thay đổi gì để bài viết rõ ràng, dễ đọc hơn không?
- Phải kiểm tra lại. Nguyên tắc bất di bất dịch là phải đọc lại những gì bạn viết trước khi gửi cho người khác, dù chỉ là một bức mail ngắn. Có vậy mới tìm ra được những lỗi ngữ pháp, chính tả hoặc dấu câu mà bạn dễ bỏ sót trong khi viết.
Phân biệt giữa văn nói và văn viết
Viết thì khá bất lợi so với nói, vì người ta không thấy được biểu cảm, cử chỉ trên gương mặt bạn hoặc nghe được sắc thái giọng bạn nói thế nào. Thực tế thì khi nói, những biểu cảm, sắc thái này nói lên nhiều điều hơn là từ vựng hay cấu trúc câu.
Bên cạnh đó, khi bạn nói thì người nghe có thể đặt câu hỏi hoặc nhận xét khi có điều chưa rõ. Sự phản hồi này cho bạn biết họ hiểu ý bạn được bao nhiêu. Nếu họ hiểu nhầm phần nào đó hoặc có phản ứng không hay, bạn có thể giải thích một chút để giúp họ hiểu được quan điểm của mình.
Khi viết, bạn cần làm cho thông điệp của mình rõ ràng ngay từ đầu bởi vì người đọc không ở ngay bên cạnh để bạn giải thích.
Tuy vậy, viết cũng có nhiều lợi thế. Người viết có thời gian để sắp xếp các ý, thậm chí là viết lại để trình bày các ý tưởng rõ ràng hơn so với những cuộc trò chuyện thường ngày. Hơn nữa, người đọc có thời gian để ghi nhận những gì bạn muốn nói. Họ có thể tra những từ chưa biết hoặc đọc lại chỗ nào ban đầu còn mù mờ.
Bài viết tốt sẽ tận dụng tối đa những lợi thế này và giảm thiểu bất lợi ở mức thấp nhất. Hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn trình bày và những câu hỏi độc giả có thể thắc mắc. Sau đó thể hiện suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, có trật tự để dễ nắm bắt từ ý này sang ý khác. Sử dụng đúng dấu chấm dấu phẩy để chia ý, kết ý cho câu.
Đoạn văn ( và các chương, trong các bài viết dài) thể hiện sự chuyển tiếp qua các ý mới. Các đoạn văn cũng đóng vai trò chủ đạo để chia nhỏ bài văn ra. (Bạn đã bao giờ thử đọc một bài văn liên tục không nghỉ chưa? – Thể nào bạn cũng bị hoa mắt rồi loạn cào cào lên thôi!)
Đọc được những bài viết tốt thực sự sẽ kích hoạt khu trung tâm thị giác (hoặc các giác quan khác) trong não bộ, các động từ mô tả chuyển động sẽ kích hoạt vỏ não vận động. Thế nên hãy cẩn trọng trong việc lựa chọn từ ngữ. Những gì bạn viết sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người đọc hơn là bạn nghĩ đấy.