1. Nguyên nhân
Theo đánh giá của nhiều nhà sử học thế giới, chiến thắng mùa xuân 1975 của Việt Nam là kết quả Trung Quốc không mong muốn, khi Trung Quốc và Mĩ đạt được một số thỏa thuận sau chuyến thăm của Tổng thống Mĩ Nixon năm 1972.
Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ (được Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự) tấn công vào lãnh thổ Việt Nam và tàn sát dân thường, quân đội Việt Nam đã tổng phản công trên biên giới Tây Nam thì Trung Quốc đã ngừng viện trợ cho Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình, Phó thủ tướng Trung Quốc thời điểm đó đã tuyên bố: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ".
Trước khi xâm lược Việt Nam, Trung Quốc đã dựng nên sự kiện "nạn kiều" khiến tình hình biên giới hai nước căng thẳng.
Ngày 12/7/1978, Trung Quốc ra lệnh đóng cửa biên giới khiến hàng nghìn người Hoa bị kẹt ở cửa khẩu, gây náo loạn vùng biên giới giữa hai quốc gia.
2. Diễn biến
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ ồ ạt xua 600.000 quân (gồm 32 sư đoàn) với 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối mở cuộc tấn công xâm lược Việt Nam dọc theo biên giới phía Bắc, dài hơn 1.000km, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
Tổng tư lệnh đội quân xâm lược là Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu, trực tiếp chỉ huy hướng xâm lược Cao Bằng - Lạng Sơn. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy xâm lược hướng Lào Cai.
Sau khi tràn qua biên giới, đội quân xâm lược đã tàn sát người dân vô tội ở 6 tỉnh phía Bắc gồm: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh.
Theo Niên giám châu Á 1980, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới vào thời điểm năm 1979 khoảng 50.000 quân, bao gồm các lực lượng bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Trong cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của đội quân xâm lược.
Sau 10 ngày xâm lược Lạng Sơn, Trung Quốc dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm những mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương của Việt nam phải đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng.
Vào thời điểm đó, Việt Nam đã tổ chức chuyển thần tốc 3 quân đoàn chủ lực trên các tuyến đường biển, đường bộ và đường hàng không để bảo vệ biên giới. Liên Xô đã lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh Tổng động viên. Theo đó, công dân nam từ 18-45 tuổi, nữ từ 18-35 tuổi đều gia nhập hàng ngũ du kích và tự vệ.
Ngoài ra, ai tự nguyện đều được đưa vào tổ chức vũ trang quần chúng. Khi xảy ra chiến sự ở địa phương, trừ những người được phép sơ tán đi, tất cả mọi công dân phải ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Khoảng 50 triệu người dân Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.
Sau khi Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, chiều cùng ngày, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học".
Việt Nam tuyên bố cho Trung Quốc rút quân thể hiện thiện chí hòa bình.
Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân, nhưng trước khi rút, chúng còn phá hoại nhiều làng mạc, công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều dân thường Việt Nam.
Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em; 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, khoảng 1,7 triệu dân ở 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.
Tuy phía Trung Quốc tuyên bố rút lui, nhưng thực tế cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn kéo dài đến tận năm 1989 mới kết thúc.
Tính từ tháng 3-1979 đến tháng 9-1983, Trung Quốc đã 7.322 lần xâm nhập trên bộ có nổ súng và 12.705 vụ xâm nhập vùng trời với hơn 2.000 lượt máy bay.
Vị Xuyên (Hà Giang) trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân của 8 trong 10 đại quân khu đánh chiếm biên giới Vị Xuyên.
Tại trận địa Vị Xuyên, hàng ngày địch bắn vào đất Việt Nam từ 30.000 đến 50.000 viên đạn pháo lớn, có đợt 3 ngày liên tục, chúng bắn tới 150.000 viên pháo. Trong 5 năm (từ năm 1984 - 1989), Trung Quốc đã bắn hơn 1,8 triệu viên đạn pháo vào khu vực này.
3. Kết quả
Theo số liệu của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (từ 17/2 đến 13/8/1979), quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, phá hủy hơn 280 xe tăng, hơn 270 xe vận tải, 115 khẩu pháo và súng cối; thu nhiều phương tiện chiến tranh; bắt nhiều tù binh...
Trong 10 năm chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1989), Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Các đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 đã hi sinh trong cuộc chiến này.
Tuy chưa có tài liệu chính thức công bố tổng số thương vong của hai phía trong cuộc chiến. Nhưng theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, tính từ năm 1984 đến 1989, hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.
4. Ý nghĩa lịch sử
Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
5. Tài liệu tham khảo
http://toquoc.vn/cho-quen-cuoc-chien-bien-gioi-viet-trung-1979-20190214184255738.htm
http://vneconomy.vn/sang-mai-mot-chuong-su-hao-hung-20190215165019159.htm
https://laodong.vn/thoi-su/hoi-uc-cua-vi-tuong-chi-huy-mat-tran-vi-xuyen-657075.ldo