Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn, trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc (có đáp án)
Được đăng bởi Ban biên tập    01/03/2018 08:55

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT YÊN LẠC

ĐỀ THI KSCL ÔN THI THPTQG LỚP 12 - LẦN 1

NĂM HỌC: 2017 - 2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

“Người có tính khiêm tốn thường hay cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa. Người có tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.

Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người cùng chung sống với mình. Vì thế, dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi.

Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.

Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”.

(Trích Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đường, Ngữ văn 7, tập 2, NXB Giáo dục, 2015, tr.70-71)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên. (0,5 điểm).

Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến sau: “Tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la”. (0,5 điểm).

Câu 3.Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng trong đoạn văn thứ nhất? (1,0 điểm).

Câu 4. Đoạn trích nói về lòng khiêm tốn. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với anh/chị? (1,0 điểm).

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích phần Đọc- hiểu: “Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh có đoạn:

“Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 41)

Trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có đoạn:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

                                                                       Sông Mã gầm lên khúc độc hành”                                                                 (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 89)

Đáp án-hướng dẫn giải

Phần I. Đọc hiểu (3,0 đ)

Câu/ý 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận. (0,5 đ)

Câu/ý 2. Ý kiến trên có nghĩa: tài năng, hiểu biết của mỗi người tuy quan trọng nhưng hữu hạn, bé nhỏ như “những giọt nước” trong thế giới rộng lớn, vô hạn “đại dương bao la”. Vì thế, cần phải khiêm tốn học hỏi. (0,5 đ)

Câu/ý3. - Biện pháp liệt kê: Liệt kê các biểu hiện của khiêm tốn: tự cho mình là kém, phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, học hỏi thêm… (0,5 đ)

- Tác dụng của biện pháp liệt kê: diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những biểu hiện của lòng khiêm tốn. (0,5 đ)

Câu/ý4. Học sinh rút ra ý nghĩa sau khi đọc đoạn trích: (0,5 đ)

Có thể trình bày theo hướng:

- Đoạn trích là bài học sâu sắc giúp ta hiểu rằng: khiêm tốn là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của con người.

- Muốn thành công trên con đường đời, mỗi người cần trang bị lòng khiêm tốn. (0,5 đ)

Phần II. Làm văn (7,0 đ)

Câu/ý 1. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích phần Đọc- hiểu: “Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”. (2,0 đ)

Yêu cầu về hình thức

-Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.

-Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu… (0,5 đ)

Lưu ý: Cần đảm bảo về hình thức đoạn văn (không đúng hình thức đoạn văn trừ 0,5đ).

Yêu cầu về nội dung

1. Giải thích

- Khiêm tốn là đức tính nhã nhặn, nhún nhường, không đề cao cái mình có và luôn coi trọng người khác. (0,25 đ)

- Thành công là đạt được kết quả như mong muốn, thực hiện được mục tiêu đề ra.

=> Khiêm tốn là điều không thể thiếu giúp con người thành công trong cuộc sống. (0,75 đ)

2. Phân tích

- Con người phải luôn khiêm tốn vì: cá nhân dù có tài năng đến đâu cũng chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Phải luôn học nữa, học mãi.

- Khiêm tốn là phẩm chất quan trọng và cần thiết của con người:

+ Khiêm tốn là biểu hiện của con người đứng đắn, biết nhìn ra trông rộng, được mọi người yêu quý.

+ Khiêm tốn giúp con người biết mình và hiểu người. (0,25 đ)

3. Bàn luận, mở rộng

- Khiêm tốn không có nghĩa là mặc cảm, tự ti, thiếu tự tin

4. Bài học và liên hệ bản thân

- Trân trọng những người khiêm tốn. Phê phán những người thiếu khiêm tốn: luôn tự cao, tự đại, cho mình là nhất mà coi thường người khác.

- Học lối sống khiêm tốn để ngày càng hoàn thiện mình và không ngừng phấn đấu vươn lên để đạt được thành công trong cuộc sống. (0,25 đ)

Câu/ý 2. Trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh có đoạn:

“Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 41).

Trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có đoạn:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 89).

Cảm nhận của anh (chị) về hai đoạn trích trên? (5,0 đ)

2.1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài nêu vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khẳng định lại vấn đề.  

2.2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Điểm giống và khác nhau giữa hai đoạn trích trên: Hai đoạn trích đều thể hiện ý chí, quyết tâm của mọi người vì nền độc lập, tự do, vì nghĩa lớn của dân tộc bằng cảm hứng yêu nước của tác giả. Tuy nhiên, đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập thể hiện quyết tâm giữ vững độc lập của toàn thể dân tộc khi nước ta vừa mới giành được tự do, bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ của thể văn chính luận còn đoạn thơ trong Tây Tiến thể hiện ý chí và lý tưởng của tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến cho nghĩa lớn của dân tộc trong những năm đất nước ta đang có chiến tranh, bằng cảm hứng lãng mạn và bi tráng của thơ trữ tình.  

2.3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:  

a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, hai đoạn trích.

- Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng vĩ đại của dân tộc; đồng thời là một nhà thơ trữ tình lớn và là một cây bút chính luận tài năng. Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm chính luận đặc sắc, kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập tự do của dân tộc ta. Đoạn trích là lời tuyên bố về quyền tự do, độc lập và ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam.

- Quang Dũng một nghệ sĩ đa tài nhưng trước hết là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Tây Tiến là một bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng và thơ ca kháng chiến chống Pháp; tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến. Đoạn thơ đã thể hiện vẻ đẹp hào hùng bi tráng của người lính với lý tưởng lớn lao, ý chí và nghị lực phi thường. (0,5 đ)

b. Cảm nhận về đoạn trích trong Tuyên ngôn độc lập- Hồ Chí Minh.

- Về nội dung: (1,5 đ)

+ Khẳng định quyền được hưởng tự do, độc lập của nước Việt Nam và sự thật Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Tự do, độc lập là quyền của tất cả mọi dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, quyền ấy được nêu lên trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Trên thực tế, đó còn là kết quả tất yếu của gần một thế kỉ chiến đấu bền bỉ, phi thường của nhân dân Việt Nam. (1 đ)

+ Khẳng định ý chí, kiên quyết bảo vệ quyền độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam. Lời tuyên bố là lời kêu gọi, hiệu triệu nhân dân Việt Nam kết thành một khối đại đoàn kết vững chắc, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Lời tuyên bố còn là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những kẻ thù đang âm mưu xâm lược nước ta, đặc biệt là thực dân Pháp. (0,5 đ)

- Về nghệ thuật: Đoạn trích sử dụng nghệ thuật lập luận chặt chẽ, giọng điệu hùng hồn, các từ tự do, độc lập được điệp lại nhiều lần,…

c. Cảm nhận về đoạn trích trong Tây tiến- Quang Dũng (1,5 đ)

- Về nội dung:

+ Đoạn thơ thể hiện sự cảm nhận thấm thía về sự hi sinh của người lính: hình ảnh những “nấm mồ rải rác” nơi biên cương viễn xứ càng nhân lên cảm xúc bi thương đó, hình ảnh “áo bào thay chiếu anh về đất” lại trực tiếp diễn tả giờ phút vĩnh biệt những người đồng đội của người lính Tây Tiến, âm thanh của tiếng gầm sông Mã như một khúc độc hành bi tráng. Con người thì câm lặng trước nỗi đau, thiên nhiên thì dữ dội, gào thét.

+ Đoạn thơ cũng đã khẳng định mạnh mẽ ý chí, khí phách của tuổi trẻ một thời không chỉ tự nguyện chấp nhận, mà còn vượt lên trên cái chết, sẵn sàng hiến dâng cả sự sống, tuổi trẻ cho nghĩa lớn của cả dân tộc. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” đã thực sự trở thành dũng khí tinh thần và hành động của nhiều thế hệ trong những năm kháng chiến. (1 đ)

- Về nghệ thuật: sự kết hợp giữa cảm hứng bi tráng và tinh thần lãng mạn; sự tương phản giữa hình ảnh những nấm mồ nhỏ và không gian mênh mông, vắng vẻ của chốn biên cương; hệ thống từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, thiêng liêng; lối nói giảm, nói tránh,… (0,5 đ)

 d. So sánh  (1,0đ)

 - Tương đồng: Hai đoạn trích đều thể hiện ý chí, quyết tâm của mọi người vì nền độc lập, tự do, vì nghĩa lớn của dân tộc bằng cảm hứng yêu nước của tác giả. (0,25 đ)

- Khác biệt:

+ Đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập thể hiện quyết tâm giữ vững độc lập của toàn thể dân tộc khi nước ta vừa mới giành được tự do, bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ của thể văn chính luận.

+ Đoạn thơ trong Tây Tiến thể hiện ý chí và lý tưởng của tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến cho nghĩa lớn của dân tộc trong những năm đất nước ta đang có chiến tranh, bằng cảm hứng lãng mạn và bi tráng của thơ trữ tình. (0,75 đ)

 e. Lí giải  (0,5 đ)

 Tổng điểm toàn bài: I + II = 10,0 điểm 

Xem thêm