Câu 1. Mĩ tiến hành chiến tranh không quân và hải quân phá hoại miền Bắc như thế nào?
Tấn công phá hoại miền Bắc là một kế hoạch được tiến hành song song với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam nhằm đánh vào hậu phương của cách mạng miền Nam. Để có cớ tấn công miền Bắc, ngày 31/7/1964, Mĩ dựng lên “sự kiện vịnh Bắc bộ” và cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi ở miền Bắc như sông Gianh (Quảng Bình), Vinh - Nghệ An…
Ngày 7/02/1965, Mĩ cho máy bay ném bom bắn phá thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ, chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Mĩ đã huy động hàng nghìn máy bay tối tân, thuộc 50 loại khác nhau, trong đó có cả máy bay B52, F111 cùng các loại vũ khí hiện đại và một lực lượng hải quân thường xuyên có mặt ở Thái Bình Dương, các căn cứ hải quân ở Nam Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Lực lượng không quân và hải quân Mĩ đã ném bom, bắn phá liên tục với cường độ ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, miền Bắc phải hứng chịu khoảng 1.600 tấn bom đạn của Mĩ trút xuống.
Mục tiêu tấn công của Mĩ không chỉ là các căn cứ quân sự mà còn bao gồm cả những mục tiêu dân sự: các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, công trình thủy lợi, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà thờ, nhà trẻ, chùa chiềng…
Câu 2. Miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, vừa chiến đấu vừa sản xuất và làm nghĩa vụ hậu phương lớn như thế nào?
1. Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mĩ
Để phù hợp với tình hình mới, tháng 01/1965, Hội đồng quốc phòng đã họp và đề ra nhiệm vụ, phương hướng công tác trước mắt của miền Bắc là tăng cường công tác phòng thủ, trị an, sẳn sàng chiến đấu.
Để chống chiến tranh phá hoại của Mĩ, miền Bắc đã thực hiện “quân sự hóa toàn dân”, đào đắp công sự chiến đấu, hầm hào, phân tán dân khỏi những vùng trọng điểm để tránh thiệt hại lớn, đảm bảo đời sống ổn định cho người dân.
Nhân miền Bắc đã huy động toàn dân chống giặc; bên cạnh lực lượng phòng không, hải quân với vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu của toàn dân không ngừng ngày đêm hỗ trợ, phục vụ chiến đấu và khắc phục hậu quả do chiến tranh tàn phá.
Trong hơn 4 năm (từ 5/8/1964 - 1/11/1968), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.234 máy bay Mĩ (trong đó có 6 máy bay B52, 3 máy bay F.111) diệt và bắt sống hàng nghìn giặc lái Mĩ; bắn chìm và bị thương 43 tàu chiến và tàn biệt kích.
Cùng với những thất bại ở chiến trường miền Nam, đặc biệt là sau cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân – 1968, Mĩ buộc phải tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc từ vì tuyến 20 trở ra kể từ ngày 31/3/1968 và đến ngày 01/11/1968, Mĩ ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc hoàn toàn.
2. Tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội
Để phù hợp với tình hình mới, Đảng đã chủ trương chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, tập trung vào việc xây dựng và phát triển kinh tế vùng, kinh tế địa phương nhằm bảo đảm cho mỗi vùng, miền, mỗi địa phương chủ động hơn trong việc duy trì và đẩy mạnh sản xuất, tự cung, tự cấp những mặt hàng thiết yếu trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
Nhân dân miền Bắc đã vượt qua được những khó khăn, thách thức, dấy lên một cao trào cách mạng rộng lớn chưa từng có trong lao động sản xuất; Tất cả nhân dân miền Bắc chung sức, chung lòng vừa chiến đấu vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến tất cả để chiến thắng" và "mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền nam ruột thịt", "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Kết quả:
Trong nông nghiệp: Hai ngành sản xuất phát triển mạnh nhất là chăn nuôi và trồng trọt; diện tích canh tác được mở rộng, năng suất lao động không ngừng tăng lên: năm 1965, miền Bắc chỉ có 7 huyện và 640 hợp tác xã đạt mức sản lượng 5 tấn/ha/năm đến năm 1967 tăng lên 30 huyện và 2.628 hợp tác xã đạt đến mức sản lượng trên. Tỉnh Thái Bình, huyện Thành Trì (Hà Nội), huyện Đan Phượng (Hà Tây) trở thành “quê hương 5 tấn” đầu tiên.
Trong công nghiệp: Các cơ sở sản xuất lớn sau khi sơ tán, phân tán đã dần dần đi vào sản xuất ổn định trở lại, đảm bảo cung cấp, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của sản xuất, chiến đấu và đời sống.
Công nghiệp quốc phòng được tăng cường và đặc biệt công nghiệp địa phương phát triển rất mạnh.
Trong giao thông vận tải: Nhân dân miền Bắc đã bất chấp bom đạn, ra sức khôi phục và bảo vệ các mạch máu giao thông của miền Bắc và hệ thống đường vận tải chiến lược Bắc – Nam, đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ công tác chi viện cho miền Nam.
Trong lĩnh vực tài chính - thương mại: đảm bảo được việc cung ứng vốn, hàng hóa phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế thời chiến và yêu cầu chiến đấu.
Trong văn hóa, giáo dục và y tế: nền giáo dục vấn tiếp tục phát triển, đặc biệt là giáo dục đại học, số sinh viên tăng gấp 3 lần so với trước chiến tranh phá hoại; số cán bộ có trình độ đại học năm 1965 là 20.000, đến năm 1969, lến đến 40.000 người.
Các ngành văn hóa, nghệ thuật hoạt động sôi nổi phục vụ cho quần chúng, y tế đã có những thành tựu mới về chuyên môn …
3. Chi viện cho miền Nam
Những thành quả trên còn là một nguồn lực đánh kể giúp cho miền Bắc làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với miền Nam. Tính chung sức người, sức của từ miền Bắc chi viện cho miền Nam trong 4 năm (1965 - 1968) tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước: hơn 30 vạn cán bộ, bộ đội, hàng chục vạn tấn vật chất, vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, thuốc men …
Sự chi viện to lớn đó đã góp phần quyết định thắng lợi của quân dân ta ở miền Nam trong cuộc chiến đấu chống “chiến tranh cục bộ” của Mĩ - Ngụy.