Học sinh trên cả nước nô nức dự lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019
05/09/2018 13:40
Sáng ngày 5/9, đúng Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, cả nước gần 24 triệu học sinh, sinh viên khai giảng năm học mới 2018-2019.
Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, năm học này sẽ có 8,359 triệu học sinh tiểu học, 5,603 triệu học sinh THCS và 2,578 học sinh THPT. Tương đương đó, số giáo viên cấp tiểu học là 396.600 giáo viên, cấp THCS có 306.110 giáo viên, cấp THPT có 150.288 giáo viên.
Tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS, thiếu 3161 giáo viên THPT. Đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS, 4.200 giáo viên THPT.
Để khắc phục tình trạng này, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên. Cùng đó, ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.
Một trong những nhiệm vụ chủ chốt của năm học tới là chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới được tiến hành vào năm học 2019-2020. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đội ngũ và cơ sở vật chất là 2 điều kiện quan trọng để triển khai chương trình. Trong đó, đội ngũ giáo viên phải “chuyển mình” – chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực. Về cơ sở vật chất, phải đảm bảo dạy và học 2 buổi/ngày, trong khi hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa thực hiện được điều kiện này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018 – 2019 là năm học có tính chất bản lề trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29. Năm học này, toàn ngành giáo dục sẽ bị chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở lớp 1 theo Nghị quyết số 51/2017/QH14.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, công tác chuẩn bị này có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc thực hiện thành công chương trình này ở lớp 1 sẽ tạo đà tích cực để tiếp tục thực hiện chương trình mới ở lớp 6 và lớp 10. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải tập trung toàn bộ nguồn lực, nỗ lực để ưu tiên thực hiện. Bên cạnh nhiệm vụ lớn đó, năm học mới 2018-2019 cũng phải giải quyết các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên thường niên như: câu chuyện đạo đức văn hóa lối sống trong trường học, thiếu trường lớp, giáo viên…
Đặc biệt, ngành giáo dục sẽ triển khai Quy chế văn hóa ứng xử trong nhà trường, và coi đây là quy tắc ứng xử mà mọi đối tượng có liên quan tới cơ sở giáo dục phải nghiêm túc chấp hành. Đồng thời, tăng cường chấn chỉnh nề nếp kỷ cương trường học sẽ là một thông điệp chung cho toàn ngành giáo dục năm học mới.
Đăng bởi: Ban biên tập